NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Những ngày gần đây, có nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ mới phát hiện gây ra nhiều nỗi lo lắng trong cộng đồng. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số thông tin về căn bệnh này, nhằm cùng nâng cao nhận thức để bảo vệ bản thân và gia đình.

Đậu mùa khỉ là bệnh gây ra bởi vi rút (virus), được tìm thấy ở một số loài động vật như khỉ và các động vật gặm nhấm. Con người có thể nhiễm vi rút đậu mùa khỉ thông qua:

+ Động vật: Tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh, ăn thịt động vật nhiễm bệnh chưa nấu chín kĩ.

+ Con người: Tiếp xúc với giọt bắn, dịch tiết, sang thương da của người bệnh; quan hệ tình dục với người bệnh.

+ Ngoài ra, các bề mặt đã từng bị bệnh nhân tiếp xúc cũng có khả năng lây bệnh.

Sau khi nhiễm Virus đậu mua khỉ, người bệnh sẽ trải qua giai đoạn ủ bệnh, sau đó dần xuất hiện các triệu chứng:

+ Sốt, mệt, đau đầu, đau cơ, nổi hạch toàn thân.

+ 1 đến 3 ngày tiếp theo sẽ xuất hiện tổn thương trên da. Ban đầu tổn thương phẳng, dần nhô lên, hình thành mụn nước, mụn mủ ở mặt, lòng bàn tay chân, mắt và bộ phận sinh dục.

Khi nào bạn cần nghi ngờ mình có thể nhiễm đậu mùa khỉ?

Hãy cảnh giác khi:

-Bạn đã có triệu chứng nghi bệnh.

-Bạn chưa có triệu chứng, tuy nhiên:

 + Bạn vừa tiếp xúc với người bệnh/ nghi nhiễm bệnh cũng như các vật dụng ô nhiễm.

 +Bạn tiếp xúc/ bị cào/ cắn bởi động vật nghi nhiễm, hoặc ăn sản phẩm động vật chưa được nấu chín kĩ.

 + Bạn đã đi đến khu vực ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành.

Nếu nghi ngờ, bạn hãy:

– Thông báo cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn cách ly, vệ sinh nơi ở. Nếu không may nhiễm bệnh, bạn sẽ được dùng thuốc giảm triệu chứng hoặc thuốc kháng Virus khi cần.

Ngoài ra, để bảo vệ bản thân và gia đình, hãy thực hành các biện pháp phòng bệnh cơ bản sau:

– Không tiếp xúc với người bệnh/ nghi nhiễm bệnh, kể cả các vật dụng hằng ngày của người bệnh.

– Cách ly nhanh chóng người bệnh/ nghi ngờ bệnh.

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài động vật (sống lẫn chết) có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là ở các khu vực có xuất hiện bệnh.

– Luôn ăn chín uống sôi. Chỉ tiêu thụ thực phẩm đã được kiểm định.

– Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn, nhất là khi tiếp xúc các bề mặt nơi công cộng.

– Có thể tiêm vaccine phòng đậu mùa để hạn chế khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Phần lớn các triệu chứng đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi sau 2-4 tuần. Tuy nhiên một số trường hợp đặc biệt (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…) có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. Vậy nên việc phát hiện sớm và chăm sóc thích hợp là rất quan trọng. Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng ngăn chặn bệnh dịch là giải pháp tối ưu hiện nay để bảo vệ chính bản thân, gia đình và xã hội.

MEDIC Cà Mau – Sức khỏe cho mọi người – Bình an cho mọi nhà.