SÀNG LỌC TRƯỚC SINH – GIÚP MẸ AN TÂM CÓ THAI KỲ KHỎE MẠNH

Khi mang thai, người mẹ rất dễ chịu ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn thế nữa, trong quá trình mang thai có những đột biến mà người mẹ không thể kiểm soát được. Để biết được tình trạng phát triển của thai nhi, các mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước sinh sớm nhất có thể nắm được tình trạng phát triển của con.
 
Sàng lọc trước khi sinh là phương pháp y học hiện đại giúp phát hiện và chẩn đoán nguy cơ dị tật bẩm sinh của trẻ khi còn sớm để mẹ bầu nắm được tình trạng phát triển của thai nhi, từ đó kịp thời điều trị và có những quyết định tốt nhất cho cả mẹ và bé.
 
1. Sàng lọc trước sinh là gì?
 
Sàng lọc trước sinh là quá trình thăm dò, xét nghiệm trong từng giai đoạn khác nhau của thai kỳ, giúp bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường và đưa ra chẩn đoán thai nhi có mắc dị tật bẩm sinh hay không. Một số phương pháp sàng lọc trước sinh được áp dụng phổ biến nhất hiện nay là: chọc ối, Double test, Triple test, xét nghiệm NIPT,…
Nhiều người nhầm lẫn, cho rằng sàng lọc trước sinh tương tự với sàng lọc sơ sinh. Điều này là hoàn toàn không đúng. Sàng lọc trước sinh được thực hiện trong quá trình mang thai, giúp phát hiện những nhiễm sắc thể bất thường gây nên dị tật bẩm sinh như dị tật ống thần kinh, trisomy 21 (Hội chứng Down), trisomy 13 (Hội chứng Patau), trisomy 18 (Hội chứng Edward),…
 
Trong khi đó, sàng lọc sơ sinh được thực hiện ngay sau khi đứa bé được sinh ra giúp chẩn đoán xác định những rối loạn bẩm sinh và di truyền, ví dụ: thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận,… Một số phương pháp sàng lọc sơ sinh thường được áp dụng là: xét nghiệm các bệnh rối loạn chuyển hóa, thăm dò kiểm tra hình thể, xét nghiệm mẫu máu gót chân,…
 
2. Các mốc sàng lọc trước sinh cho mẹ bầu
Ở mỗi giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần thực hiện các phương pháp sàng lọc trước sinh khác nhau, ví dụ:
  • Quý I: Từ tuần 11 – 13 tuần 6 ngày: Tập trung sàng lọc Hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau liên quan đến một số bất thường nhiễm sắc thể phổ biến. Lúc này, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các kỹ thuật như: siêu âm đo độ mờ da gáy, Double test, xét nghiệm NIPT.
  • Quý II: Tuần 18 – tuần 23: Một số phương pháp sàng lọc trước sinh được áp dụng trong thời điểm này như: Triple test, siêu âm, xét nghiệm máu, chọc dò nước ối,… giúp bác sĩ đánh giá và khẳng định lại những nghi ngờ trong các xét nghiệm trước đó.
  • Quý III: Tuần 30 – tuần 32: Trong giai đoạn này, mẹ bầu siêu âm định kỳ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, đồng thời dự đoán thời gian sinh nở. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện những dị tật bẩm sinh xuất hiện muộn như: cấu trúc não bất thường, hẹp eo động mạch chủ, hẹp hở van tim,…
3. Ai cần sàng lọc trước khi sinh?
Hầu hết các thai phụ đều phải thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như kiểm tra lượng protein, glucose hoặc dấu hiệu nhiễm trùng nước tiểu. Ngoài ra, nhóm phụ nữ có nguy cơ cao sẽ được bác sĩ khuyến nghị thực hiện thêm các xét nghiệm:
  • Sinh con muộn, từ 35 tuổi trở lên cần sàng lọc để kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi
  • Từng sinh non hoặc thai lưu
  • Từng sinh con bị dị tật bẩm sinh (đặc biệt là các vấn đề về tim hoặc di truyền)
  • Đang mang thai nhiều hơn một em bé
  • Có tiền sử bị cao huyết áp, tiểu đường, lupus, bệnh tim, các vấn đề về thận, ung thư, STD, hen suyễn hoặc rối loạn co giật
  • Trong gia đình có người thân mắc chứng rối loạn di truyền
Các bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng việc khám thai thường xuyên và định kỳ kết hợp với sàng lọc trước sinh là những biện pháp quan trọng nhằm nắm được tình trạng phát triển của thai nhi, đánh giá những rủi ro, phát hiện các biến chứng trong thai kỳ, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi, nhằm có một kế hoạch ra đời an toàn và điều trị sơ sinh kịp thời cho những khiếm khuyết bẩm sinh còn cơ hội sửa chữa.
 
Hãy liên hệ với BỆNH VIỆN MEDIC CÀ MAU qua hotline 0290.382.6060 hoặc INBOX Fanpage “Bệnh viện Medic Cà Mau” để đặt lịch khám và được tư vấn cụ thể hơn về các dịch vụ khám bệnh.