ĐỘT QUỴ VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Vậy đột quỵ là gì? Dấu hiệu đột quỵ và cách sơ cứu bao gồm những gì? Hãy cùng MEDIC Cà Mau tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết

– Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.

– Đột quỵ do xuất huyết: đây là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.


Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.

2. Dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ sớm nhất


– Mặt có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch.

– Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ. Biểu hiện này thường biểu hiện không rõ rệt nên rất khó nhận biết.

– Tê mỏi chân tay, cử động khó, khó cử động, tê liệt một bên cơ thể.

– Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, không diễn đạt được, có cảm giác mơ hồ.

– Khó phát âm, nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng.

– Đau đầu dữ dội, cơn đau đến nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

3. Sơ cứu tại nhà cho người có dấu hiệu đột quỵ

Thời điểm cấp cứu đột quỵ lý tưởng là 3 – 6 giờ đầu tính từ khi khởi phát. Bỏ qua thời gian vàng đột quỵ, người bệnh không được tái thông các mạch máu não lớn có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế nặng. Vậy khi phát hiện người thân có các dấu hiệu của đột quỵ, chúng ta nên làm gì?

– Không để người bệnh té và gọi xe cấp cứu ngay lập tức.

– Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn để bảo vệ đường thở và an toàn cho người bệnh.

– Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, phản ứng của bệnh nhân như suy giảm ý thức, nôn mửa…

– Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt, đánh gió, châm cứu.

– Không cho bệnh nhân ăn uống vì có thể gây hít sặc chất nôn vào đường hô hấp, tắc đường thở, rất nguy hiểm.

– Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

Đột quỵ là căn bệnh vô cùng đáng sợ bởi nó có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ lúc nào, một cách đột ngột và hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Vì vậy, khi có các triệu chứng bất thường nghi ngờ là dấu hiệu đột quỵ, cần đưa người bệnh tới các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám ngay lập tức.