NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LOÃNG XƯƠNG

Loãng xương là một căn bệnh diễn tiến thầm lặng cho đến khi mật độ xương giảm đến mức dẫn đến những cơn đau dai dẳng hoặc gãy xương. Bên trong cơ thể, sự cân bằng liên tục giữa quá trình phá hủy xương cũ và tạo xương mới gọi là chu chuyển xương. Ở một số độ tuổi hay trong trường hợp mắc bệnh, chu chuyển xương mất cân đối, góp phần vào sự phát triển của bệnh loãng xương.

Bên cạnh tuổi tác, các yếu tố nguy cơ khác bao gồm di truyền gia đình, người có tầm vóc nhỏ, giới nữ. Ngoài ra, lối sống cũng đóng vai trò quan trọng, làm tăng nguy cơ loãng xương như khi ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, ít vận động, uống nhiều rượu bia hoặc hút thuốc lá. Nhiều bệnh lí hay thuốc cũng có thể dẫn đến giảm mật độ xương, như viêm khớp dạng thấp, suy thận, cường giáp, cường tuyến cận giáp, sử dụng thuốc corticoid, thuốc chống động kinh…

Nghĩ đến loãng xương khi người bệnh có gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi hoặc là đầu dưới của xương cẳng tay sau chấn thương nhẹ. Tuy nhiên, cần phát hiện sớm loãng xương để giúp dự phòng gãy xương tương lai của bệnh nhân.

Việc tầm soát và điều trị loãng xương quan trọng đối với nhóm người có nguy cơ, bao gồm người gãy xương trên 50 tuổi, phụ nữ trên 65 tuổi và nam trên 70 tuổi, phụ nữ dưới 65 tuổi đã mãn kinh hoặc nam giới từ 50 đến 69 tuổi có yếu tố nguy cơ, cuối cùng là nhóm người có bệnh lý đã nêu trên hoặc có sử dụng thuốc làm mất xương.

Các điểm cần nhớ về bệnh loãng xương:

Tuy không có triệu chứng, người bị loãng xương đôi khi khi chỉ cần chấn thương nhẹ đã có thể bị gãy xương và để lại nhiều biến chứng nặng nề. Để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của bạn và người thân, hãy tầm soát sớm và phòng ngừa, can thiệp và điều trị bệnh loãng xương, đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ. Hiện nay có nhiều phương pháp khảo sát mật độ xương như chụp X quang, CT, siêu âm. Khi đến khám, bạn sẽ được Bác sĩ tư vấn phương pháp phù hợp.